Gỗ được hiểu là một loại vật liệu không đồng nhất, bao gồm nhiều loại tế bào khác nhau được hình thành trong quá trình phân sinh của tượng tầng cây gỗ. Gỗ có nguồn gốc từ thực vật, nhưng không phải tất cả các loài thực vật đều có thể tạo ra gỗ. Gỗ có thể được phân biệt theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng.

    (Photo by Vũ Mạnh Tường)


    Gỗ là sản phẩm chính của rừng, theo nghĩa hẹp, gỗ trong thân cây của các loài cây thân gỗ. Theo nghĩa rộng gỗ là loại vật liệu bao gồm gỗ nguyên khai thác từ thân, cành, rễ của cây gỗ), các sản phẩm gia công cơ giới như ván xẻ, ván dán, ván dăm và ván sợi, gỗ ghép thanh,

    💁 Phân loại thực vật

    Phân loại thực vật (hay hệ thống học thực vật) là một nội dung của Thực vật học. Phân loại thực vật nghiên cứu việc sắp xếp các loài thực vật trong tự nhiên thành từng nhóm trên cơ sở những đặc điểm giống nhau của chúng theo một trật tự tự nhiên gọi là hệ thống. Quá trình phân loại bao gồm việc gọi tên, xác định bậc phân loại, lựa chọn tính trạng phân loại và giám định tiêu bản thực vật,…

    Giới thực vật có thể sắp xếp vào hệ thống phân loại cơ bản từ lớn đến nhỏ:

    Giới (Regnum)

    Ngành (Divisio)

    Lớp (Classis)

    Bộ (Ordo)

    Họ (Familia)

    Chi (Genus)

    Loài (Species)

    Những loài có tính chất giống nhau, có tổ tiên chung tập hợp thành đơn vị lớn hơn gọi là chi. Cũng theo nguyên tắc chung nhau về nguồn gốc, giống nhau về tính chất, chi hợp thành họ, họ thành bộ, bộ thành lớp, lớp thành ngành. Đây là các bậc phân loại chính.

    Trong phân loại học đôi khi người ta còn dùng các bậc trung gian như: Tông (tribus) là bậc giữa họ và chi, nhánh hay tố (sectio) và loạt hay dãy (series) là bậc giữa chi và loài, thứ (varietas) và dạng (forma) là những bậc dưới loài.

    Ngoài ra, còn có thêm các bậc phụ được ghi bằng cách thêm các tiếp đầu ngữ “sub” (phân) để chỉ các bậc trung gian thấp hơn, hoặc “super” (liên) để chỉ các bậc trung gian cao hơn, như liên bộ (superordo), liên họ (superfamilia), phân bộ (subordo), phân họ (subfamilia), phân loài (subspecies). Thứ tự trên đây là chặt chẽ và không thể thay đổi.

    Giới thực vật có thể phân thành bốn ngành chính gồm Tảo lục, Rêu, Dương xỉ và Thực vật có hạt. Trong đó các loài thực vật có hạt có số lượng nhiều nhất, có thể lên đến trên 200 nghìn loài. Nguồn gốc của gỗ xuất phát từ ngành thực vật có hạt.

    💁 Thực vật có hạt

    Thực vật có hạt và Dương xỉ đều chứa tổ chức có chức năng dẫn truyền và chức năng cơ giới, đều có sự phân hóa rõ rệt giữa rễ, thân, lá được gọi chung là thực vật bậc cao. Nhưng sự phân hóa của rễ, thân, lá của thực vật có hạt phức tạp hơn, có hoa, sinh sản dựa vào hạt. 

    Căn cứ vào tập tính của thực vật có hạt có thể hình thành lên thực vật thân gỗ và thực vật thân thảo. Thực vật thân gỗ thường có rễ và thân sinh ra trong nhiều năm, hệ thống bó mạch phát triển, và có thể hình thành gỗ thứ cấp và libe thứ sinh từ tượng tầng. Rất nhiều loài thực vật thân gỗ là nguồn gốc sinh ra gỗ.

    Thực vật thân gỗ được phân thành ba loại: Cây gỗ lớn, cây bụi và dây leo. Do sự thay đổi của điều kiện sinh trưởng, một vài loài dây leo, sau nhiều năm sinh trưởng có thể trở thành dạng cây gỗ lớn; rất nhiều loại thực vật thân gỗ khi sinh trưởng trong điều kiện thời tiết lạnh hoặc vùng có độ cao so với mực nước biển lớn có hình dáng cây bụi thấp và nhỏ, nhưng khi sinh trưởng ở môi trường khác có thể phát triển thành cây gỗ lớn. Cây gỗ lớn thường chỉ các loài thực vật thân gỗ có một thân chính, chiều cao có thể lớn hơn 6 m. Gỗ chủ yếu có nguồn gốc từ các loài cây gỗ lớn.

    💁 Gỗ cây hạt trần (gỗ cây lá kim - softwood) và gỗ cây hạt kín (gỗ cây lá rộng - hardwood)

    Căn cứ hệ thống phân loại thực vật, thực vật có hạt có thể phân thành thực vật hạt trần và thực vật hạt kín.

    Thực vật hạt trần (gymnosperms) gồm bốn bộ; trong đó, chỉ có cây của các bộ cây lá kim (coniferales) và bộ ngân hạnh (ginkgoales) thuộc các loài cây gỗ lớn. Thông thường gọi các loài cây thuộc hai bộ này là cây lá kim, gỗ lấy từ cây lá kim thường được gọi là gỗ lá kim. Do các loài gỗ này không có tế bào mạch gỗ, đôi khi còn được gọi là gỗ không mạch. Gỗ lá kim thường khá mềm, trên thị trường thường gọi là gỗ mềm (softwood). Một điều cần chú ý đó là không phải tất cả các loài gỗ lá kim đều mềm.

    Thực vật hạt kín (angiosperms) bao gồm thực vật một lá mầm và thực vật hai lá mầm, nhưng chỉ có thực vật thân gỗ hai lá mầm mới có thể sinh ra gỗ, thông thường gọi loại gỗ này là gỗ cây lá rộng, gỗ có mạch hoặc gỗ cứng (hardwood). Đối với thực vật một lá mầm như dừa, cọ và tre, nứa, tuy cũng là thực vật thân gỗ, hơn nữa thân cao thẳng, ứng dụng cũng rộng nhưng có sự khác biệt rất lớn so với thực vật thân gỗ hai lá mầm, phương thức sử dụng của chúng so với gỗ thông thường cũng không giống nhau.

    💚 Tóm lại, gỗ nói chung là chỉ gỗ lá kim và gỗ lá rộng, tức nguồn gốc của gỗ xuất phát từ thực vật hạt trần và thực vật hạt kín thân gỗ hai lá mầm. Ở nước ta, phần lớn các loại cây gỗ ở rừng tự nhiên và rừng trồng là các loại cây gỗ lá rộng, các loại cây gỗ lá kim có trữ lượng và số lượng rất ít, chủ yếu chỉ một số loài thuộc chi Thông, Sa mộc, Pơ mu.

    💁 Tên gọi của gỗ

    💥 Tên khoa học

    Để thống nhất tên gọi một loài cây trên toàn thế giới, nhà bác học Thụy Điển Karl Leninné năm 1753 đã đề xuất cách gọi tên cây: tên đầy đủ cho một loài gồm 2 bộ phận là tên cây và tên tác giả. Tiếng LTinh được dùng trong cấu trúc tên cây nên tên khoa học (Scientific name) còn được gọi là tên latinh (Latine name).

    Cấu trúc tên khoa học bao gồm ba từ: Từ đầu chỉ tên Chi luôn viết hoa, từ thứ hai là một tính từ  chỉ loài không viết hoa. Tính từ này có thể chỉ tính chất, nơi mọc, công dụng và đặc điểm hình thái, màu sắc, mùi vị, địa điểm. Từ thứ 3 là chỉ tên người phát hiện ra loài cây đó hay thu thập mẫu vật. Sau tên loài, thường viết tắt hay viết nguyên tên, họ của tác giả là người công bố loài cây đó đầu tiên, phần tên tác giả công bố loài cây có thể  viết cả tên hoặc viết tắt bằng chữ hoa đầu tiên. Trong trường hợp đòi hỏi mức độ chính xác cao phải viết đầy đủ cả 3 phần của tên cây.

    Ví dụ: Tên của loài Thông đuôi ngựa:  Pinus massoniana Lamb 

               Tên của loài Lim xanh:             Erythrophloeum fordii Oliv

    Tên khoa học có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong việc tra cứu đặc điểm, tính chất của các loại cây và giá trị sử dụng, phân biệt các loại gỗ với nhau, trong kinh doanh, trong nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế. 

    💥 Tên thương mại

    Tên các loài gỗ giao dịch trên thị trường trong nước và quốc tế được gọi là tên thương mại. Tên thương mại hay còn gọi là tên thương phẩm chỉ tên các loài gỗ được sử dụng khá rộng rãi trong sản xuất và kinh doanh. 

    Căn cứ phân loại các loài gỗ thương phẩm chủ yếu là các đặc trưng cấu tạo và tính chất gỗ. Thường lấy tên chi làm cơ sở, lấy tính chất gỗ làm căn cứ chính, phân các loài gỗ có đặc trưng cấu tạo thô đại tương đương, tính chất gỗ khác biệt không lớn và khó xác định ngay tại hiện trường thành một loại, thường lấy tên chi làm tên thương mại của gỗ.

    Ví dụ gỗ Keo lai và Keo tai tượng là hai loại gỗ có đặc tính giống nhau và có chung tên thương mại quốc tế là Acacia.

    💥 Tên địa phương

    Tên địa phương là tên không chính thức, là cách gọi thông dụng của các loài cây gỗ, thường có tính địa phương. Do sự khác biệt về ngôn ngữ và cách đặt tên, nên tên địa phương của các loài gỗ không giống nhau. 

    Ở mỗi địa phương, mỗi loài gỗ có một hoặc nhiều tên gọi, nhờ tên gọi người ta có thể nhận biết và tìm hiểu các đặc điểm của gỗ. Tên địa phương có ưu điểm dễ hiểu, dễ nhớ đối với mọi người vì nó phản ánh được tính dân tộc, đại chúng. Một số nhược điểm theo cách gọi là không sử dụng trong phạm vi rộng, đặt tên không nhất quán nên thường trùng lặp, lẫn lộn. Cùng một loài có thể nhiều tên gọi khác nhau: Cùng loài Dacrycarpus imbricatus (Blume) D.Laub  ở miền Bắc gọi là Thông nàng, ở miền Nam gọi là Bạch Tùng. Loài gỗ Peltophorum pterocarpum đều có tên chung là Lim xẹt, đồng thời chỉ loài Lim xẹt có tên gọi khác là Lim vang, Hoàng linh đá.

     

    👉👉👉 Tuy thị trường gọi softwood là gỗ mềm, hardwood là gỗ cứng, nhưng chúng ta không nên nghĩ các loại “softwood - gỗ mềm” hay “hardwood - gỗ cứng” là những loại gỗ có tính chất cơ học, vật lý tương xứng với tên gọi để làm căn cứ lựa chọn gỗ. Mà để tránh hiểu nhầm giữa nhà cung cấp và người sử dụng, chúng ta cần căn cứ vào tên gọi chính thức (đã qua cơ quan có thẩm quyền giám định) của từng loại gỗ để tiến hành tra cứu tính chất cơ học, vật lý, thậm chí tính chất hoá học và độ bền tự nhiên của loài gỗ đó để làm căn cứ lựa chọn và sử dụng.

     

    Nguồn: Vũ Huy Đại, Tạ Thị Phương Hoa, Vũ Mạnh Tường, Đỗ Văn Bản, Nguyễn Tử Kim. Giáo trình Khoa học gỗ. NXB Nông nghiệp, Hà Nội, 2016.